Viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm não mô cầu là gì?

Viêm não mô cầu là bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết nặng. Khi màng não và tủy sống bị nhiễm trùng, thì tình trạng này được gọi là viêm màng não. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh viêm não mô cầu. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ mắc cao hơn. Bệnh này thường xảy ra ở:

  • Thanh thiếu niên hoặc thanh niên
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
  • Những người sống trong môi trường đông đúc, chẳng hạn như ký túc xá đại học hoặc doanh trại quân đội
  • Những người đi du lịch đến các khu vực ngoài Hoa Kỳ, chẳng hạn như "vành đai viêm màng não" ở Châu Phi
  • Những người đang bị tổn thương lách hoặc không có lách hoặc mắc bệnh hồng cầu hình liềm
  • Những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Soliris® hoặc những người bị thiếu hụt thành phần bổ thể (một chứng rối loạn miễn dịch di truyền)
  • Phơi nhiễm trong một đợt bùng phát dịch
  • Làm việc với vi khuẩn não mô cầu trong phòng thí nghiệm


Có những triệu chứng nào?

Triệu chứng xuất hiện đột ngột – thường sau từ 3 đến 4 ngày sau khi nhiễm trùng. Có thể ủ bệnh đến 10 ngày thì triệu chứng mới xuất hiện.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột
  • Đau đầu
  • Cứng cổ (điển hình viêm màng não)
  • Buồn nôn và nôn
  • Ban màu đỏ tím trên da
  • Cảm thấy mệt mỏi và suy nhược
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng


Viêm não mô cầu lây truyền như thế nào?

Bệnh lây từ người này sang người khác khi ho hoặc tiếp xúc gần hoặc lâu với người bị bệnh hoặc người mang vi khuẩn. Tiếp xúc gần như hôn, ăn uống chung hoặc sống cùng nhau. Cứ 10 người thì có tới một người mang vi khuẩn não mô cầu trong mũi hoặc họng mà không có biểu hiện bệnh.


Phương pháp điều trị là gì?

Chẩn đoán sớm bệnh viêm não mô cầu là rất quan trọng. Nếu phát hiện sớm, có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng và đến muộn có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Gần như tất cả bệnh nhân được chẩn đoán viêm não mô cầu đều phải nhập viện điều trị vì nguy cơ đe dọa tính mạng.


Biến chứng của viêm não mô cầu là gì?

Tỷ lệ tử vong đối với viêm não mô cầu là 10-15%. Những bệnh nhân còn lại, cứ 5 người thì có 1 người bị tổn thương không hồi phục. Các biến chứng bao gồm:

  • Mất thính lực
  • Tổn thương não
  • Tổn thương thận
  • Cắt cụt chi


Tôi nên làm gì nếu tôi hoặc người thân bị phơi nhiễm?

Nếu bạn tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm não mô cầu, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để biết về nguy cơ đối với bạn cũng như người thân của bạn. Họ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để dự phòng bệnh.


Cách tốt nhất để dự phòng viêm não mô cầu là gì?

Cách tốt nhất để dự phòng viêm não mô cầu là tiêm vắc-xin. Hiện tại có vắc-xin cho những người từ 6 tuần tuổi trở lên. Có nhiều loại vắc-xin khác nhau có khả năng dự phòng năm chủng vi khuẩn chính gây bệnh viêm màng não mô cầu:

  • Tất cả thanh thiếu niên nên được tiêm hai liều vắc-xin dự phòng các chủng A, C, W và Y, còn được gọi là vắc-xin MenACWY hoặc MCV4. Liều đầu tiên được tiêm khi trẻ 11 đến 12 tuổi và liều thứ hai (tiêm nhắc lại) khi trẻ 16 tuổi.
    • Đặc biệt, thanh thiếu niên được tiêm liều nhắc lại lúc 16 tuổi để dự phòng vì đây là tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não mô cầu cao nhất.
  • Thanh thiếu niên và thanh niên cũng có thể tiêm vắc-xin dự phòng chủng "B", còn được gọi là vắc-xin MenB. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem trường hợp của bạn có nên tiêm vắc-xin dự phòng chủng “B” hay không.
  • Ngoài ra, những đối tượng nên tiêm phòng viêm não mô cầu gồm:
    • Trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn có bệnh nền
    • Người có phơi nhiễm trong một đợt bùng phát dịch
    • Du khách đến "vành đai viêm màng não" của châu Phi gần Sahara
    • Tân binh
  • Hãy xin ý kiến bác sĩ nếu bạn thuộc một trong các nhóm đối tượng trên.


Những ai không nên tiêm phòng?

Có một số người không nên tiêm vắc-xin viêm não mô cầu hoặc họ nên chờ đợi.

  • Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin này. Bất cứ ai từng bị dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin viêm não mô cầu thì tuyệt đối không được tiêm lại.
  • Bất cứ ai bị dị ứng nghiêm trọng với các thành phần trong vắc-xin thì đều không nên tiêm.
  • Bất cứ ai đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe vào thời điểm dự kiến tiêm có lẽ nên đợi cho đến khi khỏe hơn. Tuy nhiên, những người bị ở mức độ nhẹ vẫn có thể tiêm phòng.


Trước khi đến trường, trẻ phải tiêm bao nhiêu mũi vắc-xin viêm não mô cầu?

  • Đối với các lớp 7 đến 9 trong năm học 2018-19: một liều vắc-xin MenACWY. Với mỗi năm học mới, yêu cầu này sẽ phủ rộng lên thêm một lớp cho đến khi tất cả học sinh từ lớp 7 đến lớp 11 đều được tiêm một liều vắc-xin MenACWY.
    • 2019-20: lớp 7, lớp 8, lớp 9, và lớp 10
    • 2020-21 và các năm sau: lớp 7, 8, 9, 10 và 11
  • Đối với lớp 12: hai liều vắc-xin MenACWY
    • Liều thứ hai cần sẽ được tiêm vào hoặc sau năm 16 tuổi.
    • Những người đã tiêm liều đầu tiên vào hoặc sau năm 16 tuổi thì không cần tiêm nhắc lại.


Nguồn tham khảo thêm: